Phương pháp Thaibaan – Một cách tiếp cận mới trong nghiên cứu tri thức địa phương ở lưu vực sông Gâm
Đăng ngày: 10 Tháng Sáu 2014 | Source: www.warecod.org.vn

Tri thức địa phương từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đồng. Hệ thống tri thức địa phương về sử dụng và quản lý tài nguyên, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc vật nuôi… là những kiến thức mà người dân vốn sử dụng để thích ứng với những thay đổi của môi trường, và hiện đang được sử dụng để đối phó với những tác động của biến đổi khí hậu. Bởi vậy, nghiên cứu tri thức địa phương ngày càng đóng một vài trò quan trọng trong việc hoạch định các chính sách phát triển bền vững. 

Khi nghiên cứu tri thức địa phương, các nhà nghiên cứu đã sử dụng nhiều phương pháp, công cụ khác nhau để thực hiện nghiên cứu như phương pháp SARA[1], lịch mùa vụ, sơ đồ tài nguyên… Và phương pháp Thaibaan là một trong những phương pháp mới mẻ mang lại nhiều hiệu quả.

Phương pháp Thai Baan là phương pháp mà người dân địa phương chính là những người thực hiện nghiên cứu nhằm chỉ ra tri thức địa phương về môi trường và cách thức người dân tương tác với nó.[2]

Thai Baan xuất phát từ tiếng Thái Lan có nghĩa là dân làng (Thai: Thái Lan; Baan: dân làng). Người dân địa phương là những nhà nghiên cứu chính, họ là những người đưa ra các ý tưởng, triển khai nghiên cứu về các ý tưởng đó và phổ biến kết quả nghiên cứu của họ. Phương pháp nghiên cứu Thai Baan thúc đẩy người dân địa phương tự hệ thống hoá những hiểu biết và kiến thức về những mối quan hệ giữa họ và tài nguyên thiên nhiên trong khu vực họ sinh sống.

Người dân thôn Nộc Soa tham gia làm nghiên cứu Thai Baan (Ảnh: Ngọc Khắc)

Một trong những mục tiêu của phương pháp Thai Baan là nâng cao năng lực cho cộng đồng địa phương, mà trước hết là nhóm nghiên cứu viên địa phương – nhóm nòng cốt trong cộng đồng. Khi tham gia vào nghiên cứu, người dân địa phương sẽ được tập huấn và thực hành các kỹ năng: ghi chép, làm việc nhóm, phỏng vấn, thu thập tài liệu/chứng cứ, kỹ năng trình bày trước đám đông…


Phương pháp Thai Baan đã được WARECOD áp dụng vào nghiên cứu tri thức địa phương về nguồn lợi thủy sản trên sông Hồng, phá Tam Giang… và tại các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu tại xã Lý Bôn và thị trấn Pắc Miầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Hiện phương pháp này tiếp tục được áp dụng và phát triển trong nghiên cứu tri thức địa phương về thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu tại hai huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc thuộc tỉnh Cao Bằng.

Nguồn nước sản xuất của người dân thôn Nà Xiêm

Nằm trong lưu vực sông Gâm, huyện Nguyên Bình và Bảo Lạc là hai huyện nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng. Đây là hai huyện có địa hình phức tạp, chủ yếu là đối, núi đá cao và bị chia cắt bởi các dãy núi, các khe, rạch, sông, suối với độ cao trung bình so với mặt biển là 800m. Mặc dù có hệ thống thủy văn tương đối phong phú nhưng do tính chất phức tạp của địa hình khiến cho việc khai thác sử dụng đất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vào mùa đông và đầu mùa xuân thường xuyên xảy ra khô hạn gây khó khăn cho việc nâng cao hệ số sử dụng đất, mở rộng diện tích đất canh tác cũng như chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Theo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Cao Bằng, do địa hình hai huyện có độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh nên nếu phương thức canh tác không hợp lý sẽ dẫn đến xói mòn, rửa trôi, hoang hóa đất. Vào mùa mưa dễ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất làm thiệt hại đến tài sản, tính mạng và gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Trong những năm gần đây, các sự kiện thời tiết bất thường cũng thường xuyên diễn ra gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân hai huyện. Năm 2013, tại huyện Nguyên Bình đã xảy ra nhiều đợt thiên tai gây thiệt hại về hoa màu, nhà ở và một số cơ sở hạ tầng khác. Toàn huyện có 207 căn nhà bị tốc mái và ngói vỡ do mưa đá ngày 27/3, gió lốc ngày 26/4 và ngày 18/5. Các đợt thiên tai này cũng khiến 03 điểm trường bị tốc mái, sập trần nhựa, 10 tuyến đường giao thông bị sạt ở taluy[3]… Tại huyện Bảo Lạc, mưa đá ngày 30/3/2013 xảy ra trên địa bàn 5 xã biên giới đã gây ra thiệt hại nặng nề về nhà cửa, khiến 01 người bị thương và 25 trường học bị thiệt hại[4]

Người dân xây dựng nhà cửa kiên cố trước mùa bão lũ

Với những đặc điểm trên, đây cũng chính là huyện được chọn để thực hiện hoạt động “Nghiên cứu tri thức địa phương về thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu” nằm trong khuôn khổ dự án “Đẩy mạnh sự tham gia trong quá trình ra quyết định liên quan đến biến đổi khí hậu và môi trường ở lưu vực sông Gâm” do Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước triển khai từ tháng 03 đến tháng 09 năm 2014.


Cụ thể, tại huyện Nguyên Bình nghiên cứu được triển khai ở thôn Nộc Soa, xã Ca Thành; tại huyện Bảo Lạc, thôn Nà Xiêm xã Bảo Toàn là nơi được chọn để thực hiện hoạt động này. Đây chính là địa bàn sinh sống của các nhóm dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ… với điều kiện tự nhiên khó khăn, đời sống người dân phụ thuộc vào nông nghiệp và các nguồn lực tự nhiên để duy trì sinh kế, cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Họ cũng chính là đối tượng dễ bị tác động nhất trước sự thay đổi của khí hậu và môi trường.

Kết quả nghiên cứu sẽ được chia sẻ tại hội thảo vào tháng 10/2014 tại thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.

Bài: Nguyễn Hiên

 



[1] SARA là từ viết tắt của các từ trong tiếng Anh: Self-esteem (Tự trọng), Associative strength (Sức mạnh), Resourcefulness (Tháo vát), Action planning (Kế hoạch hành động) và Responsibility (trách nhiệm). http://kattigara-echo.blogspot.com/2012/11/tri-thuc-ban-ia-va-phat-trien-ii_5454.html, tháng 11 năm 2012

[2] http://www.livingriversiam.org/en-tbr.htm

[3] Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Nguyên Bình, Báo cáo tổng hợp thiệt hại do thiên tai năm 2013.

[4] Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Bảo Lạc, Báo cáo tổng kết công tác PCLB&TKCN năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014.




XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin