Chuỗi sự kiện Dòng sông và Con người Đồng bằng Sông Cửu Long 2016
Đăng ngày: 18 Tháng Mười Một 2016 | Source: vrn.org.vn
Trong thời gian từ 12-14/11/2016, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài nguyên Nước (WARECOD) và Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON) đã tổ chức chuỗi sự kiện “Dòng sông và Con người sông Cửu Long (ĐBSCL) 2016”. Năm nay, vùng ĐBSCL được chọn là vùng ưu tiên cho các hoạt động của Mạng lưới và WARECOD. Do đó, Đại học Cần Thơ được chọn là nơi tổ chức chuỗi sự kiện này, nhằm góp phần cung cấp thông tin cho đối tượng là những người trẻ, sinh viên, học sinh là nguồn trí thức tương lai của ĐBSCL.

 

Phiên hội thảo thường niên của VRN, được tổ chức vào sáng 12/11/2016 với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là cán bộ đến từ các sở ban ngành từ nhiều địa phương thuộc cả ba vùng Bắc, Trung, Nam và người dân tại ba tỉnh Cần Thơ, Bạc Liêu và An Giang. Ngoài ra, các thành viên ban Tư vấn, Ban Điều hành và các thành viên nòng cốt của VRN đã tham gia đầy đủ tại sự kiện quan trọng này. Tại Hội thảo thường niên năm nay, bên cạnh báo cáo các hoạt động VRN đã thực hiện trong năm 2016 từ bà Nguyễn Thị Hồng Vân (điều phối viên quốc gia), các đại biểu còn được lắng nghe ý kiến về chiến lược vận động chính sách của VRN từ chuyên gia độc lập, bà Nguyễn Thị Bích Tâm. PGS.TS Lê Anh Tuấn từ Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu thuộc ĐH Cần Thơ đã trình bày tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước từ các con sông trong bối cảnh Việt Nam đang ưu tiên phát triển kinh tế. Nhiều đại biểu đã rất quan tâm tới vấn đề liệu môi trường nước tại Việt Nam hiện nay có tương xứng với phát triển kinh tế không.



Đại biểu từ cộng đồng trình bày kết quả nghiên cứu tri thức địa phương

 

Vai trò và tầm quan trọng của cộng đồng địa phương tham gia quản lý tài nguyên nước được nhấn mạnh qua bài trình bày “Vai trò của cộng đồng trong giám sát tác động của thủy điện – Thuận lợi và thách thức” của bà Phạm Thị Diệu My, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội. Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về nhiều vấn đề như thủy điện, ô nhiễm, sự tham gia của cộng đồng...trong đó nhấn mạnh cần có sự liên kết giữa các tỉnh tại ĐBSCL để chia sẻ nguồn tài nguyên nước trong bối cảnh các đập thủy điện đang được triển khai xây dựng ồ ạt trên thượng nguồn Mekong và tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một trầm trọng.



Đại biểu trong phần thảo luận

Sau hai năm triển khai, chương trình dự án MK26 “Nhận thức của người dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long về tài nguyên thủy sản sông Mê Kông” do WARECOD thực hiện đã đi tới các hoạt động tổng kết. Phiên buổi chiều cùng đã chia sẻ về thực trạng môi trường tại địa phương cũng như các nguyện vọng đề xuất của cộng đồng mình tại Hội thảo chuyên đề. Đại diện hai nhóm nghiên cứu tri thức bản địa tại xã Phong Thạnh A và Phong Tân đều đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều tiết nguồn tài nguyên nước hiệu quả nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp và các hoạt động sinh kế của người dân địa phương. Các nghiên cứu viên cũng đã tham gia phiên thảo luận về các vấn đề như liên kết vùng, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, hạn mặn tại ĐBSCL v.v… cùng với các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước và môi trường tại Việt Nam.



Ban tổ chức trao giải cho các tác giả thi ảnh Đối thoại với dòng sông 2016

 

Một hoạt động được mong đợi trong thời gian diễn ra sự kiện là triển lãm ảnh “Dòng sông và Con người Đồng bằng sông Cửu Long” khai mạc vào cuối buổi chiều ngày 12/11/2016 tại Khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ. Triển lãm ảnh đã trưng bày 2 mảng hình ảnh chính bao gồm (i) 38 tác phẩm được chắt lọc từ cuộc thi ảnh “Đối thoại với dòng sông: Đồng bằng sông Cửu Long - Đối mặt và Thích ứng” do VRN tổ chức và (ii) 50 câu chuyện ảnh trong dự án “Nhận thức của người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long về tài nguyên thủy sản sông Mê Kông” do các thành viên của nhóm nghiên cứu tri thức bản địa thực hiện tại 2 tỉnh Bạc Liêu và Cần Thơ. Lễ trao giải các tác giả đoạt giải thưởng dự thi ảnh online đã diễn ra tại buổi triển lãm. Ông Phạm Hoài Thanh, trưởng ban Giám khảo cuộc thi ảnh Đối thoại với dòng sông 2016 chia sẻ: “Đây là một đề tài khó. Để có thể tham gia, các tác giả cần đầu tư thời gian tìm hiểu, nghiên cứu công phu mới có thể chọn đề tài và thể hiện. Tất cả những tác phẩm dự thi đều xứng đáng đạt giải vì trái tim, sự trăn trở của các tác giả đã rộng mở cho cộng đồng lớn và phát triển bền vững lâu dài. Tất cả các tác giả, những ai quan tâm đến vấn đề sông ngòi và tài nguyên nước đều là người chiến thắng trong cuộc thi vì sự thay đổi nhận thức về sông ngòi, vì sự phát triển tốt đẹp bền vững của đất nước.” Triển lãm đã thu hút sự tham gia của các bạn sinh viên, là chủ nhân tương lai của đất nước, giúp các bạn hiểu thêm về tình hình thực tế tại đồng bằng và khuyến khích tìm tòi giải pháp cho các vấn đề hiện nay.

 

Ngày 13/11/2016, cuộc thi Rung chuông vàng được tổ chức tại khoa Thủy sản, ĐH Cần Thơ. 150 bạn sinh viên đã tham gia dự thi với chủ đề bảo tồn nguồn lợi thủy sản và tài nguyên nước. Đây là một cơ hội để các bạn thu nhận và chia sẻ kiến thức với nhau. Tại cuộc thi, TS Trần Văn Hà, thành viên Ban sáng lập WARECOD, đã trao tặng bộ ảnh triển lãm Dòng sông và con người ĐBSCL 2016 cho khoa Thủy sản và hi vọng tiếp tục có những hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới.

 

Văn phòng Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin