Tái định cư thủy điện: Câu chuyện sinh kế lâu dài
Đăng ngày: 14 Tháng Bảy 2012 | Source: www.baoquangnam.com.vn
Tái định cư cho dân vùng có dự án thủy điện không chỉ đơn thuần là cấp đất, xây nhà, trao tiền đền bù là xong. Câu chuyện gìn giữ văn hóa và sinh kế lâu dài cho dân tái định cư lại một lần nữa được đem ra mổ xẻ và phân tích thẳng thắn trong hội thảo đối thoại “Chính sách bảo trợ xã hội ADB đối với dự án thủy điện Sông Bung 4”.

Từ cơ chế giải trình…

Ngay từ đầu buổi hội thảo, nhiều đại biểu tham gia hội thảo đều mong muốn, đây sẽ là một cuộc nói chuyện thẳng thắng để có thể tìm ra những điểm mấu chốt, những khúc mắc chưa thể giải quyết của người dân vùng tái định cư thủy điện Sông Bung 4. Khác với các thủy điện khác, ngay từ đầu, Sông Bung 4 đã được chính quyền hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Và ADB sẽ cùng chủ đầu tư đồng hành trong suốt quá trình xây dựng và hỗ trợ bồi thường cho người dân vùng tái định cư. Ông Takafumi Kadono - chuyên viên của ADB, tham gia giám sát trực tiếp dự án cho biết: “Đây là dự án thủy điện đầu tiên chúng tôi tham gia và chúng tôi đã nhận thấy được rất nhiều sự đổi thay của người dân trong vùng dự án. Vấn đề tái định cư, nếu không được tham vấn và không đi theo đúng quy trình tìm hiểu, lắng nghe thì sẽ gây ra rất nhiều điều bất cập về sau. Chúng tôi làm việc theo phương châm luôn lắng nghe những người và những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các dự án do ADB hỗ trợ… Họ rất cần những cơ chế giải trình minh bạch và có trách nhiệm từ phía các bên có liên quan”. 

Với cơ chế giải trình minh bạch, ADB đã làm một cuộc khảo sát để lấy ý kiến của người dân về mong muốn ngôi nhà của họ sẽ như thế nào. Vấn đề thiết kế đường sá, mồ mả đều được được ra lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và trong các cuộc khảo sát đó cả vợ lẫn chồng đều được tham gia… Kết quả sẽ được công bố trong các cuộc họp của thôn đến khi người dân đồng tình mới đưa ra tham vấn cho chủ đầu tư. Bên cạnh đó, ADB cũng thành lập nhóm phát triển tái định cư ngay chính trong cộng đồng người dân để có thể khách quan truyền tải ý kiến của người dân đến với chủ đầu tư, với những người giám sát của ADB… Bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang nói: “Chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề là đồng bào các dân tộc thiểu số suốt cuộc đời gắn với nương rẫy, núi rừng; bây giờ bắt họ đến một nơi ở mới, sống một cuộc sống mới và quan trọng nhất là giao họ một số tiền lớn mà không chỉ dẫn cách sử dụng phù hợp và hiệu quả thì không thể nào cho họ một cuộc sống ổn định. Với cơ chế lắng nghe và giải trình mọi điều trước cộng đồng của ADB, người dân vùng tái định cư thủy điện Sông Bung 4 đã thực sự có được những lợi ích trước mắt và lâu dài mà người dân vùng tái định cư khác không có được”. 


Đến sinh kế lâu dài

Ông A Viết Có - Trưởng thôn Pa Rum B cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi rất hài lòng về chuyện bồi thường, giải quyết các chế độ cho dân tái định cư. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn có một cuộc sống ổn định về lâu về dài sau khi chuyển đến chỗ ở mới. Những hỗ trợ về phục hồi sinh kế trong thời gian qua quả thật đã giúp chúng tôi rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn những hỗ trợ về con vật nuôi, cây giống mà chúng tôi vẫn chưa thể hiểu hết được. Chúng tôi cần câu trả lời rõ ràng hơn”. Trước vấn đề ông Có nêu, ông Trương Thiết Hùng - Trưởng ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4 cho biết: “Chúng tôi đã và đang làm hết sức theo đúng yêu cầu và nguyện vọng của bà con vùng tái định cư. Cơ chế giải trình minh bạch của ADB là cơ sở để bà con có thể trình bày tất cả nguyện vọng của mình. Vấn đề sinh kế lâu dài, tất cả những người có trách nhiệm đều chung quan điểm là sẽ tạo cho bà con cái “cần câu” chứ không phải chỉ cho “con cá” rồi thôi. Chúng tôi thực sự mong muốn có được sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, chủ đầu tư và người dân trong vấn đề tái định cư. Phục hồi sinh kế lâu dài cho bà con phải dựa trên nguyên tắc tạo dựng ý thức và truyền đạt cho bà con những kiến thức sinh kế”.


Sinh kế lâu dài và văn hóa cho người dân vùng tái định cư phải được đặt lên hàng đầu trong mỗi dự án thủy điện.

Dự án thủy điện Sông Bung 4 có 232 hộ dân thuộc diện tái định cư, nằm ở 4 thôn và đến nay chỉ có 1 thôn đã hoàn tất các quá trình tái định cư, 3 thôn còn lại vẫn dang dở và có nhiều vấn đề khúc mắc giữa người dân. Ông Đặng Ngọc Quang - Trưởng nhóm nghiên cứu chính sách an toàn của các thể chế tài chính quốc tế cho biết: “Chúng tôi nhận thấy được rất nhiều những nỗ lực của Ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4 trong việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ di dời, tạo khu vực định cư mới. Tuy nhiên, dù Ban quản lý đã đưa ra quy trình giải quyết khiếu nại, nhưng quy trình đó vẫn chưa thực sự thực hiện đúng yêu cầu chính sách của ADB về tính chất “dễ tiếp cận” và “không tốn kém chi phí”. Vẫn còn đó quá nhiều những giải pháp phục hồi sinh kế dẫn đến kết quả không đồng đều”. Cũng theo ông Quang, quá trình chuyển đổi sinh kế gắn liền với tái định cư ở dự án thủy điện Sông Bung 4 đã làm thay đổi đáng kể vai trò của người phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp khi họ mất đi một phần quan trọng đất sản xuất.

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin