Cấp nước an toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Cần thiết và quan trọng
Đăng ngày: 01 Tháng Ba 2019 | Source: Báo Xây dựng
Ngày 28/2, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà - Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) Dự án cấp nước an toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chủ trì cuộc họp BCĐ lần đầu tiên.

Tham dự cuộc họp, có thành viên BCĐ là lãnh đạo các Bộ và lãnh đạo 7 tỉnh, thành phố nằm trong vùng dự án, gồm: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh: “Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL là một dự án quan trọng trong tổng thể kế hoạch phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Tại cuộc họp này, BCĐ sẽ thảo luận và cho ý kiến về công tác chuẩn bị dự án, những vấn đề mang tính then chốt, định hướng của Dự án để có thể triển khai các bước tiếp theo…”.

Báo cáo về tình hình triển khai chuẩn bị dự án, đại diện Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết: “Cục đang triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL (dự án). Mục tiêu của dự án là nghiên cứu xây dựng hệ thống cấp nước an toàn, bền vững cho 7 tỉnh khu vực Tây Nam sông Hậu; hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) và việc khai thác nước ngầm hiện tại gây ra; nghiên cứu xây dựng cơ sở vững chắc về kỹ thuật, tổ chức, thể chế cho việc khai thác, quản lý, vận hành hệ thống cấp nước được đầu tư trong vùng”.

Dự án đề xuất 5 phương án kỹ thuật tổng thể cấp nước cho toàn vùng Tây Nam sông Hậu. Trong đó, phương án 1, cấp nước tập trung, sử dụng nguồn nước mặt sông Hậu và đầu tư 3 nhà máy nước cung cấp nước cho toàn vùng. 4 phương án còn lại cấp nước phân tán, kết hợp khai thác nước mặt tại chỗ, nước ngầm tầng sâu, hồ chứa nước thô và xử lý nước mặn/lợ… Dự án ưu tiên sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) trong giai đoạn 1, dự kiến 440 triệu USD.

Đánh giá về mức độ khó khăn nguồn nước, tư vấn dự án nhận định: Cà Mau là tỉnh có mức độ ưu tiên cao nhất, xếp thứ 2 là Bạc Liêu và Kiên Giang, tiếp theo lần lượt là Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ và An Giang. Do vậy, dự án sẽ ưu tiên cấp nước cho các tỉnh khó khăn về nguồn nước trước.

Về lâu dài, dự án xem xét giải pháp cấp nước tập trung để bảo đảm tính liên kết vùng và an toàn cấp nước. Cũng trong dài hạn, dự án không khai thác nước ngầm với quy mô lớn. Các giải pháp cấp nước thích ứng với BĐKH, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, mức độ phát triển đô thị.

Dự án đồng thời đề xuất 3 phương án kỹ thuật đầu tư ưu tiên sử dụng nguồn vốn WB và các phương án tài chính, thể chế, quản lý dự án…

Tại cuộc họp, các thành viên BCĐ tập trung thảo luận về sự cần thiết của dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL, về quy mô, phạm vi dự án. Các thành viên BCĐ, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đồng thời phân tích các điểm mạnh và hạn chế trong phương án cấp nước tập trung và các phương án cấp nước phân tán; phân tích phương án tài chính cho dự án...



Toàn cảnh cuộc họp 

Đa phần các ý kiến cho rằng về lâu về dài, nên có phương án cấp nước tập trung, nhằm bảo đảm tính chủ động, an toàn trong cấp nước, tận dụng được nguồn nước mặt sông Hậu tương đối dồi dào, giảm khai thác nước… Tuy nhiên, phương án cấp nước tập trung đòi hỏi nguồn vốn lớn, giá nước cao. Vậy nên trước mắt, sử dụng phương án cấp nước phân tán theo từng tiểu vùng…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL. Hơn thế, cấp nước an toàn vùng BĐSCL còn là vấn đề an ninh. Trách nhiệm của Chính phủ và các địa phương phải đảm bảo cấp nước an toàn cho người dân vùng ĐBSCL, ngay cả trước những tác động tiêu cực của BĐKH đến vùng này trong tương lai.

Bộ trưởng đề nghị dự án tiếp tục nghiên cứu kỹ thêm các phương án, cấp nước tập trung hay phân tán? Trong phương án cấp nước tập trung thì nước cấp đến các tỉnh, thành phố là nước sạch hay nước thô?

Bộ trưởng yêu cầu: “Dù lựa chọn phương án cấp nước nào thì dự án cũng phải có sự kết nối và kế thừa hệ thống cấp nước đô thị, nông thôn hiện có trong vùng, kết nối hệ thống cấp nước với hệ thống thủy lợi”.

Việc kết nối dự án với hệ thống cấp nước hiện có không chỉ làm tăng hiệu quả của dự án, tránh lãng phí hệ thống cấp nước đã đầu tư trước đó, đồng thời góp phần giảm giá nước của dự án.

Bộ trưởng cũng yêu cầu tư vấn nghiên cứu quy mô dự án phù hợp với yêu cầu cấp nước và khả năng huy động vốn đầu tư, đề xuất các cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư cụ thể…

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận định: “Đây là một dự án lớn, khó nhưng rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL, do vậy đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương tiếp tục tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến sáng tạo, khả thi cho dự án.

Quý Liên
Theo baoxaydung.com.vn


XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin