Quảng Trị: Nhiều hồ chứa nguy cơ đe dọa cuộc sống của dân trước mùa mưa bão
Đăng ngày: 08 Tháng Mười 2018 | Source: Báo Lao Động
Trước mùa mưa bão năm nay, tỉnh Quảng Trị đối diện nhiều khó khăn khi tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển có diễn biến nghiêm trọng. Bên cạnh đó, không ít các hồ chứa nước bị sạt lở, đê đập bị thấm, có nước chảy bên trong, tiềm ẩn nguy hiểm cho vùng hạ du. Đặc biệt, trong số 131 hồ chứa nước tại Quảng Trị, có đến 129 hồ chưa được lập phương án chống lũ, lụt cho vùng hạ du, 129 hồ chưa được kiểm định an toàn hồ đập.

Gần 125km bị sạt lở


Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại Quảng Trị xảy ra từ lâu, nhưng những năm gần đây có diễn biến phức tạp, tốc độ xói lở nhanh, hướng sạt lở thường xuyên thay đổi. Theo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị, qua rà soát, tổng chiều dài sạt lở là 124,59km. Với chiều dài bờ sông, bờ biển bị sạt lở nói trên đã ảnh hưởng đến đời sống người dân của 37 xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Ghi nhận của PV Lao Động cho thấy, hiện tượng sạt lở phát triển liên tục hai bên bờ các sông chính, xâm thực sâu vào đất thổ cư và đất canh tác. Một số nơi do mất đất thổ cư phải di dời với tổng số 2.364 hộ nằm trong vùng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, có đến 587 hộ sống trong vùng nguy hiểm khi cách nơi bị sạt lở dưới 20m.

Từ năm 2010 - 2017, tổng diện tích đất sản xuất dọc bờ sông bị cuốn trôi khoảng 250ha. Nhiều khu vực sạt lở ảnh hưởng trực tiếp và gây mất an toàn đến hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có các tuyến đường giao thông (49,12km), công trình đê điều (74,8km).

Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho biết, đầu tháng 10.2018, địa phương đã phê duyệt đề án ứng phó tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển. Theo đó, sẽ lập dự án và triển khai các giải pháp đầu tư xây dựng công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển với tổng nhu cầu vốn thực hiện hơn 1.600 tỉ đồng.

“Địa phương sẽ tập trung nghiên cứu, điều tra, đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân và lựa chọn những giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn. Mục đích xử lý triệt để, hiệu quả đối với tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, giảm thiểu tối đa thiệt hại và ổn định đời sống lâu dài cho người dân trước tình hình biến đổi khí hậu” - ông Nguyễn Đức Chính thông tin.

Hồ chứa xuống cấp tiềm ẩn nguy hiểm

Không chỉ khẩn cấp đối với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, mà các hồ chứa nước trên địa bàn Quảng Trị cũng đang đối mặt với tình trạng xuống cấp, sạt mái, đe dọa cuộc sống cũng như sản xuất của hàng vạn người dân.

Quảng Trị có 131 hồ chứa nước các loại, thì có đến 129 hồ chưa được lập phương án chống lũ, lụt cho vùng hạ du; 129 hồ chưa được kiểm định an toàn hồ đập; 116 hồ chưa được xây dựng phương án bảo vệ đập; 122 hồ chưa lập quy trình vận hành, gây khó khăn trong việc tích nước khi khô hạn và tháo nước trong mùa mưa lũ.

Ông Nguyễn Đăng Trình - Trưởng phòng Thủy lợi và nước sạch nông thôn, Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị - nói rằng, nhiều hồ chứa có phần đập đất xây dựng thủ công từ lâu nên “tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm”.

Xác định Quảng Trị là “rốn” của thiên tai, nên trước mùa mưa lũ năm nay, Tổng cục Thủy lợi - Bộ NNPTNT đã có đoàn công tác do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh dẫn đầu trực tiếp đi kiểm tra thực tế về tình hình an toàn hồ đập tại địa phương này.

Ông Tỉnh lưu ý, địa phương cần đánh giá khả năng xả lũ, rà soát độ an toàn, điều hành phù hợp để không xảy ra tình trạng xả lũ khẩn cấp gây ngập lụt. “Cần đặc biệt quan tâm các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý, tỉnh Quảng Trị cần chủ động có phương án ứng phó phù hợp để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân” - ông Nguyễn Văn Tỉnh nói.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                               HƯNG THƠ

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin