Làm sân golf gần nguồn nước sạch sông Đà nguy hiểm thế nào?
Đăng ngày: 30 Tháng Mười 2019 | Source: www.warecod.org.vn
Nhiều người bày tỏ lo ngại việc xây dựng dự án sân golf nằm trong vùng an toàn nguồn nước sạch sông Đà thì nguy cơ "đầu độc" người dân Thủ đô rất cao.

Theo thông tin, thời gian gần đây có một số doanh nghiệp (cả doanh nghiệp Hàn Quốc) quan tâm tới khu vực ven hồ Đồng Bãi với mục tiêu triển khai xây dựng dự án sân golf. Dù khu vực này là đất rừng và liên quan tới an toàn của hồ sơ lắng Đồng Bãi, nơi cung cấp nguồn nước đầu vào cho Nhà máy nước sông Đà, nhưng UBND tỉnh Hòa Bình đã đồng ý cho phép khảo sát lập dự án sân golf.

Ngày 6/9/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản số 1418 về chủ trương cho phép Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đô thị và Thương mại nghiên cứu, khảo sát, lập dự án Khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn.

Trước thông tin này, nhiều người bày tỏ lo ngại việc xây dựng dự án sân golf nằm trong vùng an toàn nguồn nước sạch sông Đà thì nguy cơ "đầu độc" người dân Thủ đô rất cao.

Cục Quy hoạch đất đai cho rằng: Trước đó, ngày 23/5/2019, Cục Quy hoạch đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TNMT) đã có văn bản số 146 gửi Sở TN&MT Hòa Bình về việc không bổ sung đưa vào Quy hoạch sân golf Việt Nam và dừng phê duyệt chủ trương lập dự án đầu tư khu phức hợp đôi thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình).

Theo Văn bản số 178/2019/BC – VIWASUPCO, dự án Khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn sử dụng 270 ha đất, trong đó có ¾ diện tích nằm trong vùng bảo vệ cấp 1 của Dự án nước sông Đà.

"Dự án nước Sông Đà có tầm quan trọng đặc biệt đối với Thủ đô Hà Nội, việc xây dựng khu phức hợp đôi thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn là không phù hợp, vi phạm phương án bảo vệ Nhà máy nước sông Đà đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt tại Quyết định số 1229/QĐ-UBND ngày 28/8/2014, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh nguồn nước, chất lượng nước thô đầu vào và kế hoạch cấp nước an toàn liên tục phục vụ nhân dân TP. Hà Nội", văn bản của Cục khẳng định.

Trao đổi với báo Đất Việt về vấn đề này, TS Trần Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu xem sân golf là hiểm họa về môi trường bởi để có được những thảm cỏ đẹp, tại các sân golf thường phải dùng một lượng lớn phân hóa học, thuốc trừ sâu dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.



3/4 diện tích sân golf Yên Quang nằm trong vùng an toàn nguồn nước

Theo nghiên cứu của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), mỗi ha sân golf phải sử dụng trung bình một lượng hóa chất gấp 3 - 5 lần số hóa chất cho một khu đất canh tác nông nghiệp tương tự. Các độc chất này là nguy cơ cao gây ung thư. Ở một số quốc gia vùng Đông Nam Á, người ta ước tính mỗi sân golf tiêu thụ khoảng 1,5 tấn hóa chất mỗi năm.

Còn tại Việt Nam, như sân golf Tân Sơn Nhất, mỗi năm phải bón gần 200 tấn phân hóa học, gần 9 tấn thuốc trừ sâu để chăm sóc cỏ.

Một nhóm nghiên cứu ở Canada qua nghiên cứu, nhận thấy các khu vực sân golf có nồng độ thủy ngân cao nhất và vượt tiêu chuẩn môi trường. Phần bùn lắng của một hồ ở sân golf cũng có mức thủy ngân cao hơn mức ở một hồ khác cách đó hơn 8km. Cá ở hồ sân golf cũng có nhiều thủy ngân hơn cá ở hồ kia.

"Điều này càng trở nên nguy hiểm hơn nếu sân golf làm gần sông hay khu dân cư bở phân hóa học, thuốc trừ sâu sẽ ngấm vào đất, vào mạch nước rồi chảy đi khắp nơi. Chất độc từ các sân golf thường là thủy ngân, ngấm vào đất rất độc hại, tạo ra nguy cơ đầu độc trên diện rộng không kiểm soát nổi" - TS Trần Văn Tuấn nói.

Mới đây, trao đổi với Báo Giao thông về dự án trên, Ông Ngô Văn Quyền, Chủ tịch xã Yên Quang cho biết, dự án mới chỉ họp xin chủ trương, thực hiện khảo sát, nhưng không khả thi vì ảnh hưởng nguồn nước đầu vào nhà máy nước của Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà.

Theo ông Quyền, nếu xây dựng, sân golf nằm phía sau nhà máy nước sạch Sông Đà. "3/4 diện tích sân golf rơi vào vùng an toàn nguồn nước, toàn bộ nước đều phải đổ về Hồ Đồng Bãi - nơi cấp nước cho nhà máy", ông Quyền nói.

Theo Báo Môi trường và Đô thị

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin