Nước sạch, sai một li đi nhiều dặm
Đăng ngày: 15 Tháng Mười Một 2019 | Source: www.warecod.org.vn
Để hạn chế méo mó, xin cho, cần xóa bỏ cơ chế trợ giá, bù giá nước sạch hiện nay.

Nước sông Đà nhiễm bẩn, giá nước sông Đuống bán buôn đắt hơn giá bán lẻ tại Hà Nội cho thấy có bất cập trong thu hút đầu tư vào ngành nước. Điều này mâu thuẫn với đòi hỏi từ thực tế là nguồn vốn tư nhân phải giữ vai trò quan trọng trong phủ sóng nước sạch khi hơn 60% dân cư chưa có cơ hội tiếp cận nước sạch. Và điều này cần phải chấn chỉnh.

Dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang được Quốc hội thảo luận có quy định việc thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực cung cấp nước sạch.

Nhưng chừng đó chưa đủ với một lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu, đặc thù như sản xuất và cung cấp nước sạch, bởi còn liên quan đến chất lượng nước, yêu cầu cung cấp nước, cơ chế giá nước sạch và giải quyết chuyện chống độc quyền ngành nước.

Thiếu các quy định này rất dễ nảy sinh phức tạp trong hút vốn tư nhân vào ngành nước. Chẳng hạn, như TP Hà Nội quyết định khung giá bán buôn nước sạch sông Đà là hơn 5.000 đồng/m3, trong khi giá bán buôn nước sạch sông Đuống tạm tính cao gấp đôi, khoảng 10.246 đồng/m3 đã tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

Theo quy luật, có thêm nhà đầu tư tham gia, thêm nguồn cung, giá nước sẽ giảm xuống. Nhưng trong trường hợp này giá nước bị đẩy lên cao. Sự bất hợp lý này được ủng hộ bởi những quyết định chia địa bàn cấp nước sạch cho từng dự án, từng nhà đầu tư, tạo ra sự độc quyền tuyệt đối cho các nhà đầu tư tư nhân.

Trên thực tế, sự độc quyền về mạng lưới phân phối nước là rất khó thay thế. Bởi doanh nghiệp đã được giao địa bàn để "hùng cứ", rất khó có doanh nghiệp khác liều lĩnh bỏ vốn để phát triển song song mạng lưới phân phối nước sạch. Điều đó có thể gây lãng phí cũng như phức tạp trong thi công và quản lý hệ thống cấp nước.

Vì thế, Nhà nước cần nắm giữ mạng lưới đường ống cấp nước để bảo đảm quyền sử dụng nước sạch của mọi người dân. Đồng thời khuyến khích mọi nhà đầu tư phát triển nhà máy sản xuất nước sạch để đa dạng nguồn cung, giảm giá thành.

Ngoài ra, Nhà nước vẫn phải duy trì chính sách bù chéo giá nước (ấn định giá nước dùng cho kinh doanh, người xài nhiều cao hơn để bù cho người xài ít...) nhằm giúp mọi người dân đều được dùng nước sạch.

Mặt khác, để hạn chế méo mó, xin cho, cần xóa bỏ cơ chế trợ giá, bù giá nước sạch hiện nay. Cơ chế bù giá cho các nhà máy nước sạch chỉ diễn ra trong khâu bán buôn nước sạch giữa nhà sản xuất nước sạch với đơn vị đầu mối bán lẻ nước sạch, rất dễ nảy sinh tiêu cực, làm méo mó thị trường nước.

Đồng thời cũng cần phải tách bạch vai trò quản lý ngành nước với kinh doanh nước sạch tại các địa phương. Cơ quan quản lý chỉ nên quản lý chất lượng nguồn nước, bảo đảm cung ứng đủ nước cho người dân thông qua cơ chế thu hút đầu tư tư nhân cạnh tranh, công bằng. Bên cạnh đó, cần giải pháp kết nối các khu vực cấp nước đô thị với nhau để thực hiện chức năng điều tiết nguồn nước khi xảy ra các sự cố từ các nhà máy nước sạch...

Xem ra, lo nước sạch cho người dân không chỉ xây thêm nhiều nhà máy mà quan trọng là phải có các cơ chế điều tiết để đảm bảo nước sạch đến tay người tiêu dùng không phải cõng quá nhiều khoản. Mọi tính toán, dù chỉ sai một li cũng có thể đi nhiều dặm, mà ở đó chịu thiệt chính là người dân.


Bảo Ngọc 
Theo Báo Tuổi trẻ

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin