Thót tim với thủy điện
Đăng ngày: 17 Tháng Mười Một 2020 | Source: www.warecod.org.vn
Công an Thừa Thiên Huế đã phải giám sát việc vận hành của Nhà máy thủy điện Thượng Nhật ở đầu nguồn sông Hương, vì không thể để cho cả tỉnh phải thót tim thêm lần nữa khi hồ thủy điện này tự ý tích nước mà chưa đủ an toàn.





Có lẽ đây là lần đầu tiên chính quyền phải sử dụng đến biện pháp mạnh như thế để ngăn chặn nguy cơ tai họa.


Trước đó, vào cuối tháng 10, khi cơn bão số 9 đang đe dọa gây mưa lớn cho vùng miền núi Thừa Thiên Huế, chính quyền địa phương huyện Nam Đông đã phát hiện hồ thủy điện Thượng Nhật đóng kín các cửa van để tích nước đầy hồ và vận hành phát điện khi chưa được phép. 


Với cường độ mưa lớn dồn dập như thế, hồ thủy điện này sẽ là "quả bom nước" có thể "phát nổ" bất cứ lúc nào, khi mà các điều kiện về an toàn hồ đập chưa đảm bảo. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã gửi công điện yêu cầu thủy điện Thượng Nhật không được phép tự ý tích nước, để tránh nguy cơ mất an toàn. 


Thế nhưng chủ đầu tư thủy điện này vẫn không tuân thủ chỉ đạo. Sở Công thương Thừa Thiên Huế phải phát công văn yêu cầu Tổng công ty Điện lực miền Trung không mua điện của thủy điện Thượng Nhật, cho đến khi nào được phép tích nước - vận hành.


Vậy mà lần này, khi bão số 13 vào Biển Đông, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có công điện khẩn và thủy điện Thượng Nhật vẫn tiếp tục... tích nước. Chính quyền buộc phải điều động công an đến lập biên bản và túc trực 24/24 giờ để giám sát, không cho chủ hồ tích nước.


Nguy cơ Thượng Nhật cũng đã khiến cho Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai phải yêu cầu Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực vào cuộc xử lý sự việc. 





Công văn của trung ương nhấn mạnh "đặc biệt là thủy điện nhỏ của tư nhân quản lý, chưa thực hiện đúng các quy định về tích nước và vận hành", và nêu hai cái tên điển hình là thủy điện Đắk Kar (Đắc Nông) và thủy điện Thượng Nhật (Thừa Thiên Huế).


Điều đáng nói là thủy điện Thượng Nhật vốn không có trong quy hoạch thủy điện nhỏ ban đầu của tỉnh, nó chỉ xuất hiện vào những lần điều chỉnh về sau. Nhà máy chỉ có công suất 11MW, mà dân gian gọi là "thủy điện cóc", nằm len lỏi trong rừng núi đầu nguồn, và chỉ đến khi xảy ra sự cố hai lần "chống lệnh" thì người dân Huế mới biết đến nó.


Trong khi đó, nguy cơ mất an toàn cũng suýt xảy ra với thủy điện Đắk Kar vào tháng 8-2019. Thủy điện này thi công chưa hoàn tất, quy trình vận hành hồ chưa hoàn thiện, chưa được phép tích nước - vận hành, nhưng chủ đầu tư vẫn tích nước phát điện và đưa lên lưới điện quốc gia. 


Đến lúc mưa quá lớn, nước lũ tràn hồ mà cửa van xả vẫn bị kẹt không mở được, nguy cơ vỡ đập rất cao. Lực lượng cứu hộ đã tính đến phương án nổ mìn tạo đường thoát nước để tránh tai nạn vỡ đập. Rất may sau đó mưa giảm và cả tỉnh Đắc Nông thở phào thoát nạn.


Hết Đắk Kar lại đến Thượng Nhật, cho thấy nguy cơ mất an toàn và mất kiểm soát của thủy điện nhỏ vẫn rất lớn. Nguy cơ đó không phải đến lúc này mới nhìn thấy, mà đã được báo động ngay từ khi chúng xuất hiện dày đặc trong quy hoạch thủy điện nhỏ của các tỉnh. 


Nếu chính quyền không nghiêm khắc ngay từ đầu, từ khâu lập và phê duyệt quy hoạch, thì sẽ còn mệt mỏi dài dài với đội quân thủy điện nhỏ này.


THEO MINH TỰ
TUOITRE.VN

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin