Đầu tư vào đập lớn là một sự lãng phí
Đăng ngày: 04 Tháng Chín 2014 | Source: nytimes.com

Thayer Scudder, học giả hàng đầu thế giới về tác động của những con đập tới người nghèo, đã thay đổi quan điểm của mình về vấn đề này.

Là một nhà tư vấn thường xuyên cho các dự án xây dựng đập lớn, ông Scudder đã luôn nuôi hi vọng trong suốt sự nghiệp 58 năm của mình về công tác giảm nghèo, rằng thông qua việc xây dựng và quản lý một con đập đúng cách để mang lại nhiều lợi ích hơn so với những thiệt hại về xã hội và môi trường mà nó gây ra. Nhưng hiện tại, ở tuổi 84, ông đã kết luận rằng, đầu tư vào các con đập lớn là một sự lãng phí bởi chính những con đập đang được xây dựng gần đây “sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc về môi trường và kinh tế - xã hội”, theo như một email ông viết gần đây.

 

Ông Scudder, một giáo sư nhân chủng học danh dự của Viện Công nghệ California, mô tả lại những ảo tưởng của mình với những con đập đã dần tan vỡ. Ông từng là người ủng hộ đập khi mới bắt đầu dự án nghiên cứu đầu tiên của mình vào năm 1956 – tác động của việc tái định cư bắt buộc tới 57.000 người Tonga ở thung lũng Gwemne, nay là Zambia và Zimbabwe. Quá trình xây dựng đập Kariba dựa vào khoản vay mà khi đó là lớn nhất trong lịch sử Ngân hàng Thế giới, đã buộc người Tonga phải rời bỏ mảnh đất tổ tiên để lại dọc sông Zambezi để tới những vùng đất bạc màu ở hạ nguồn. Ông Scudder đã dõi theo sự tan rã của họ kể từ đó.

 

Khi đã tạm thời gắn kết lại và có thể tự cung tự cấp, người Tonga lại gặp phải các vấn đề như nghèo đói, nghiện rượu tràn lan và thất nghiệp. Bức bách về thu nhập, nhiều người đã phải trồng và buôn lậu thuốc phiện trái phép, săn bắn voi, môi giới và hành nghề mại dâm. Người dân tại các ngôi làng vẫn chưa hề có điện.

 

Với tư cách là một nhà tư vấn, công việc gần đây nhất của ông Scudder là dự án đập Nam Theun 2 ở Lào. Dự án đã làm ông thất vọng hoàn toàn. Ông cùng hai cố vấn đã ủng hộ vì dự án này yêu cầu các nhà tài trợ của con đập phải triển khai những chương trình giúp người dân tái định cư để họ có điều kiện sống tốt hơn so với trước khi dự án khởi công. Tuy nhiên con đập được hoàn thành vào năm 2010, và dự án vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu của các chương trình này. Trong khi đó, 3 chủ sở hữu của con đập lại đang đẩy toàn bộ trách nhiệm cho Chính phủ Lào – “quá sớm”, ông Scudder trả lời trong một cuộc phỏng vấn. “Chính phủ muốn xây dựng 60 con đập trong 20 đến 30 năm nữa, và tại thời điểm này, họ không hề có khả năng đối phó với các tác động môi trường và xã hội cho bất cứ một con đập nào trong số đó”.

 

“Nam Theun 2 đã xác nhận một nghi ngờ lâu nay của tôi rằng việc xây dựng một con đập lớn là quá phức tạp và quá tổn hại đến nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá” – ông nói. Và giờ, Scudder đang nghĩ rằng, thành tựu lớn nhất của ông không phải là thúc đẩy xây dựng một con đập, mà là làm nó ngừng thi công: Ông đã chủ trì một nghiên cứu vào năm 1992 để giúp ngăn chặn việc xây dựng một con đập có khả năng tác động tiêu cực đến vùng châu thổ Okavango ở Botswana – một trong những vùng đất ngập nước lớn cuối cùng trên thế giới.

 

Một trong những thứ thúc đẩy ông Scudder đưa bản đánh giá đã sửa đổi của mình ra công chúng chính là những dẫn chứng ông tìm thấy từ một nghiên cứu tuyệt vời của đại học Oxford xuất bản vào tháng Ba về Chính sách năng lượng. Nghiên cứu này được thực hiện bởi Atif Ansar, Ben Flyvbjerg, Alexander Budzier và Daniel Lunn, đã chỉ ra số liệu thống kê về chi phí cho 245 con đập lớn đã được xây dựng từ năm 1934 đến năm 2007. Thậm chí chưa kể đến các tác động về xã hội và môi trường – vốn luôn tiêu cực và ảnh hưởng trên diện rộng, nghiên cứu này đã cho thấy rằng “chi phí thực tế cho việc xây dựng các con đập lớn là quá cao và không mang lại lợi nhuận”.

 

Các tác giả của nghiên cứu – ba học giả về quản lý và thống kê – cho rằng các nhà hoạch định có xu hướng lạc quan quá mức, trong khi những người đề xướng xây dựng đập đang khai thác họ bằng sự lừa dối và tham nhũng trắng trợn. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, chi phí thực tế cho các con đập bình quân tăng gần gấp đôi khoản ước tính trước khi xây dựng, và nhiều hơn gấp nhiều lần so với khoản vượt ngân sách của việc thi công các loại hình cơ sở hạ tầng khác như đường bộ, đường sắt, cầu, hầm. Tính trung bình, xây dựng một con đập mất khoảng 8,6 năm, vượt 44% so với dự đoán – “quá nhiều thời gian”, các tác giả cho biết, các con đập lớn như vậy “không hiệu quả trong việc giải quyết các khủng hoảng năng lượng khẩn cấp”.

 

Các con đập thường tiêu tốn một lượng khá lớn nguồn lực tài chính của một quốc gia đang phát triển, bởi những nhà lập kế hoạch xây dựng đập thường đánh giá thấp tác động của lạm phát và sự mất giá của đồng tiền. Rất nhiều nguồn tài trợ dành cho các con đập lớn được thực hiện dưới hình thức cho nước sở tại vay tiền, và thậm chí phải trả bằng ngoại tệ mạnh. Tuy nhiên, phần lớn doanh thu của các con đập lại đến từ việc bán điện bằng đồng nội tệ. Khi đồng nội tệ mất giá so với đồng đô[ND1] la, vốn thường xuyên xảy ra, gánh nặng từ các khoản vay tăng lên.

 

Một lý do khiến vấn đề này bị xem nhẹ là do những nghiên cứu trước đây đã đánh giá hiệu quả kinh tế của các con đập thông qua việc các đơn vị cho vay quốc tế như Ngân hàng Thế giới có thu hồi được nợ hay không – và trong phần lớn các trường hợp, họ đã thu lại được. Tuy vậy, tác động tới kinh tế của các quốc gia sở tại thường suy yếu đi. Các dự án xây dựng đập thường rất quy mô, bắt đầu từ những năm 1980, xây dựng đập tràn lan đã trở thành yếu tố chính của khủng hoảng nợ tại Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Mexico và Nam Tư cũ. “Nền kinh tế của nhiều quốc gia rất mong manh, nó có thể bị tác động một cách tiêu cực hoàn toàn bởi khoản nợ từ một con đập khổng lồ”, ông Flyvbjerg – điều tra viên chính của nghiên cứu nói với tôi.

 

Để nhấn mạnh quan điểm của mình, nghiên cứu lựa chọn con đập khổng lồ Diamer-Bhasha, hiện nay đang được thi công tại Pakistan trên sông Ấn. Chi chí dự kiến cho công trình là 12,7 tỷ Đô la (với giá trị đồng Đô la tại năm 2008) và hoàn thành vào năm 2021. Mặc dù vậy, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, con đập này sẽ không thể hoàn thiện trước năm 2027 và chi phí là 35 tỷ Đô la (vẫn với giá trị đồng Đô la của năm 2008) – chiếm 1/4 tổng thu nhập quốc nội của Pakistan năm đó.

 

Sử dụng các tiêu chí của nghiên cứu, phần lớn các con đập quy mô lớn đã được lên kế hoạch thi công dường như đều không có hiệu quả kinh tế. Sự thật không thể chối cãi là liên hợp khổng lồ Inga gồm 8 con đập mới mục đích kéo dài sông Congo – mà hai dự án đầu tiên đã triển khai vượt rất nhiều so với mức chi phí cho phép – cùng với đập Belo Monte trị giá 14 tỷ Đô la nổi tiếng của Brazil, đập thủy điện lớn thứ ba thế giới này sẽ xóa sổ một vạt khu rừng nhiệt đới Amazon.


Thay vì xây dựng những công trình khổng lồ và độc nhất vô nhị như các con đập, các tác giả của nghiên cứu đã đề cập đến “những nguồn năng lượng linh hoạt thay thế” như gió, năng lượng mặt trời và các thiết bị thủy điện mini. “Chúng ta đang mắc kẹt trong chế độ của những năm 1950 khi mà mọi thứ được thực hiện theo những cách vô cùng thủ công”, ông Ansar trao đổi qua điện thoại. “Chúng ta cần những thứ dễ đánh giá tiêu chuẩn hơn, những thứ mà vừa vặn bên trong một thùng hàng và có thể vận chuyển dễ dàng”.

 

Tất cả những điều này đi ngược lại hoàn toàn với sự bùng nổ về xây dựng đập trên phạm vi quốc tế hiện nay. Các công ty xây dựng của Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ đang xây dựng hàng trăm con đập trên khắp thế giới, và Ngân hàng Thế giới đã công bố một năm trước rằng, họ đang vãn hồi một chiến lược tài trợ xây dựng các đập khổng lồ vốn đã hấp hối. Những công trình lớn nhất trông có vẻ hấp dẫn, rất rực rỡ, điều mà khiến chúng ta cần rất nhiều thế hệ mới nhận ra rằng: Chúng chính là những hiện vật tàn bạo của thời đại công nghiệp, hiếm khi mang lại những lại những lợi ích như đã hứa.


XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin