Kết quả từ mô hình trồng rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng
Đăng ngày: 24 Tháng Mười 2012 | Source: www.warecod.org.vn

Nhìn lại sau hai năm Dự án ADAPTS được thực hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế, có thể nói một trong những thành công mà đơn vị thực hiện - Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) gặt hái được đó là nâng cao được năng lực làm việc với cộng đồng và Chính quyền địa phương cho các cán bộ và nhân viên của Trung tâm. Điều đó thể hiện ở chỗ luôn luôn có sự tham gia của Chính quyền và người dân địa phương từ quá trình thảo luận đưa ra ý tưởng, thực hiện ý tưởng và theo dõi, giám sát để bảo tồn và phát triển những kết quả đạt được nhằm hướng tới mục tiêu của Dự án.

Vườn cây ngập mặn ADAPTS được Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội phối hợp với Chính quyền, người dân địa phương và Chi cục Bảo vệ Tài nguyên Môi trường tiến hành trồng ở khu vực Cồn Tè, thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, Hương Trà, TT Huế năm 2010 và 2011 là một sản phẩm được xây dựng nên từ ý tưởng của CSRD, thông qua sáng kiến và kinh nghiệm của cộng đồng địa phương. Đó là một quá trình mà CSRD đã tổ chức các buổi làm việc, tham vấn và khảo sát rộng rãi về các ưu tiên thích ứng biến đổi khí hậu của cộng đồng địa phương, các sáng kiến và kinh nghiệm của nhân dân trong việc trồng cây ngập mặn để ứng phó với các tác động của khí hậu thời tiết lên vùng đầm phá ven biển để từ đó cùng với cộng đồng xây dựng kế hoạch và thực hiện hoạt động trồng rừng ngập mặn. Chính vì vậy, sau khi Dự án kết thúc, thái độ và nhận thức của người dân địa phương đã được đổi mới, họ hiểu được mục đích mà Dự án muốn đạt được là nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu cho người dân, Chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội dân sự địa phương thông qua những hành động bảo vệ môi trường thiết thực, có ý nghĩa lâu dài; họ cũng hiểu được vai trò to lớn của hệ sinh thái rừng ngập mặn ven đầm phá trong việc giảm thiểu những tác động của sóng, gió và thủy triều lên hệ thống công trình dân sinh, đê điều, các hồ nuôi thủy hải sản và diện tích đất canh tác nông nghiệp gắn liền với sinh kế, cải thiện tính chất đất đai và tiểu khí hậu vùng, tạo môi trường thuận lợi cho sự sinh trưởng phát triển của các loài động thực vật thủy sinh góp phần nâng cao đa dạng sinh học cho vùng đất ngập nước ở địa phương. 

Trong hai năm qua, Chính quyền và người dân địa phương đã rất tích cực hành động để phát huy những kết quả mà dự án mang lại. Sau khi dự án kết thúc, Chính quyền thị xã Hương Trà đã có chủ trương khoanh vùng quy hoạch 30ha tại khu vực Cồn Tè dành cho phát triển rừng ngập mặn, đồng thời đóng vai trò theo dõi người dân thực hiện các quy ước bảo vệ rừng ngập mặn được xây dựng dựa trên các cuộc họp lấy ý kiến nhân dân, chính vì thế người dân rất tự giác thực hiện những cam kết mà chính họ đã xây dựng nên. Gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội cũng đã triển khai cho một số người dân Kế hoạch Theo dõi Giám sát rừng ngập mặn bằng một Bảng thu thập thông tin và câu hỏi được cập nhật hàng tháng về các điều kiện tự nhiên, khí hậu thời tiết tác động đến rừng ngập ngập mặn và những hoạt động của người dân để bảo vệ hoặc cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến rừng ngập mặn. Điều này có tác dụng như một động thái thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền để người dân không ngừng nâng cao ý thức trong việc bảo tồn và phát triển những giá trị của rừng ngập mặn, đồng thời cũng giúp CSRD thu thập các thông tin cần thiết phục vụ cho việc lên phương án mở rộng diện tích rừng ngập mặn ở Cồn Tè.

Qua các cuộc thực địa thăm rừng và tiếp xúc với người dân, chúng tôi nhận thấy được tâm trạng tươi vui phấn khởi của họ khi mà rừng ngập mặn đã và đang từng ngày đem lại những lợi ích có thể nhìn thấy được. Trước mắt họ là một cảnh quan xanh tươi mát mẻ của những cây bần, cây mắm, sú đang lớn dần và cho hoa, vùng đất trong khu vực rừng trồng ngày càng được bồi tụ cao hơn, các loài tôm cá đang dần dần về đây sinh sôi phát triển. Họ mong muốn sẽ có những dự án mới để hỗ trợ họ nguồn vốn cũng như kỹ thuật để nhân rộng diện tích rừng ngập mặn, xây dựng nơi đây thành một khu sinh thái ngập nước đặc trưng của địa phương. Chính sự liên hệ thường xuyên giữa CSRD và người dân địa phương để trao đổi các thông tin cần thiết là động lực để mô hình phát triển rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng được phát huy hiệu quả và mang lại những lợi ích bền vững về mặt môi trường và sinh kế cho người dân.

Lê Quang Tiến (CSRD)

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin