Ngân hàng mong muốn Nghị quyết về xử lý nợ xấu được luật hóa
Đăng ngày: 22 Tháng Hai 2022 | Source: www.warecod.org.vn
Nhiều vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn hoặc cách áp dụng vẫn còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, làm hạn chế công tác xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng.
Sáng 19/2, tại Hà Nội, Báo Lao Động phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức hội thảo “Cần Luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng”.



Toàn cảnh Hội thảo “Cần luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng”.


Nợ xấu là vấn đề liên tục


Dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trong 2 năm qua dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức dưới 2% được coi là thách thức không nhỏ đối với ngành Ngân hàng.


Trong 5 năm qua, ngành ngân hàng đã xử lý nợ xấu theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đến ngày 15/8/2022, Nghị quyết này sẽ hết hiệu lực thi hành. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kiến nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét xây dựng Luật về xử lý nợ xấu.


Bởi hiện nay, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, còn nhiều vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn hoặc cách áp dụng vẫn còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, làm hạn chế công tác xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm.


Thực tế từ kết quả kinh doanh của các ngân hàng đã cho thấy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu bình quân của 28 ngân hàng thương mại niêm yết và Agribank (chiếm khoảng 80% thị phần tổng tài sản) đã tăng lên mức 150% cuối năm 2021, là mức cao nhất từ trước tới nay.


Tuy nhiên, tình hình nợ xấu trong năm 2021 của một số ngân hàng có xu hướng gia tăng so với năm 2020, như VPBank (tăng 60), VietinBank (49%), VIB (58%), HD Bank (43%)… Bình quân số dư nợ xấu 28 ngân hàng thương mại niêm yết và Agribank tăng 17,3% so với năm 2020.


Cụ thể là những vướng mắc trong thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn, việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán từ tiền bán/phát mại tài sản đảm bảo.... Thậm chí vị này còn chỉ ra, trên thực tiễn, hầu như chưa có tổ chức tín dụng nào áp dụng thành công thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp theo Nghị quyết 42.


Cùng với đó là vướng mắc trong nguyên tắc áp dụng pháp luật về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. Theo ông Hùng, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 42, một số cơ quan có thẩm quyền đã ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan cấp dưới hoặc áp dụng trong nội bộ ngành mình có nội dung tiếp tục duy trì việc áp dụng các Luật chuyên ngành như trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Dẫn đến mục tiêu ban hành các chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ xử lý, thu hồi nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42 không đạt được toàn diện, một số chính sách hỗ trợ hoạt động xử lý nợ xấu trong Nghị quyết 42 chưa đi vào thực tiễn.


Đồng quan điểm, ông Phan Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc BIDV lấy ví dụ về vướng mắc liên quan đến công tác thi hành án. Bởi hiện nay, đối với các khoản nợ có nhiều tài sản thế chấp tọa lạc tại các huyện, tỉnh khác nhau, theo quy định của pháp luật về thi hành án thì không được phát mại đồng thời các tài sản mà phải thực hiện cuốn chiếu từng tài sản theo từng địa bàn, dẫn tới thời gian thu hồi nợ kéo dài, không xử lý tổng thể, dứt điểm được toàn bộ tài sản đảm bảo tại cùng thời điểm, gây thiệt hại cho ngân hàng.


Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Cấn Văn Lực, nợ xấu là vấn đề liên tục, hiện hữu của ngành ngân hàng và có xu hướng gia tăng nên cần các giải pháp mạnh mẽ để xử lý triệt để nợ xấu, đặc biệt là các giải pháp liên quan đến khung pháp lý, cần phải được đặc biệt chú trọng trong năm 2022 để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, tránh tình trạng nợ xấu cũ chưa được xử lý, nợ xấu mới gia tăng nhanh hơn nhằm tháo gỡ rủi ro tiềm tàng cho nền kinh tế.


Phải đồng bộ hệ thống luật


Từ những vấn đề nêu trên, các chuyên gia và đại diện ngân hàng đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc luật hóa Nghị quyết 42. Tuy nhiên, việc luật hóa này cũng phải có những yêu cầu và điều kiện nhất định.


Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cần được tiếp tục duy trì trong khoảng tối thiểu 5-10 năm nữa, cho đến khi nào tòa án thực sự bảo đảm được trên thực tế yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm nói riêng, các vụ án đòi nợ nói chung một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.


Ông Phan Thanh Hải lại cho rằng, việc luật hóa phải giải quyết xung đột pháp luật; bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật cần thiết. Bởi các quy định trong Nghị quyết 42 được điều chỉnh hoặc liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác, như: Bộ Luật dân sự, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế… Hơn nữa, việc luật hóa cần đồng bộ hệ thống luật và các văn bản dưới luật về xử lý nợ xấu. Các cơ quan liên quan cũng phải nghiên cứu cơ sở thực tiễn để đồng bộ với các nghị định, thông tư hướng dẫn phù hợp…


“Việc đồng bộ hệ thống luật và các văn bản dưới luật liên quan đến xử lý nợ xấu sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng hành lang pháp lý cần thiết, hình thành một môi trường kinh tế lành mạnh, hoạt động cấp tín dụng và xử lý nợ chuyên nghiệp, bài bản cho Việt Nam, góp phần nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam”, ông Hải nêu.


Cùng với hành lang pháp lý, theo ông Trần Minh Đạt, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank), bản chất của việc nâng cao chất lượng tín dụng không phải chỉ câu chuyện thu hồi nợ mà nó là quá trình xuyên suốt từ lựa chọn ngành nghề/lĩnh vực cho vay, lựa chọn doanh nghiệp tốt, quá trình giám sát/kiểm tra việc sử dụng vốn đúng mục đích. Khi ngân hàng có sự lựa chọn tốt ngay từ đầu, nợ xấu sẽ ít phát sinh.


Theo Hương Dịu
haiquanonline.com.vn

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin