Sự thật 'ít người nhìn thấy' từ các dự án thủy điện
Đăng ngày: 02 Tháng Mười Một 2021 | Source: www.warecod.org.vn
Với việc giá điện gió và điện mặt trời đang giảm, người ta có thể dễ dàng quên rằng: Hai phần ba nguồn năng lượng tái tạo trên thế giới đến từ thủy điện. Nhưng…

Biểu đồ các dự án đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong thời điểm tháng 7 năm 2018 (màu xám: đã hoàn thành; màu đỏ: đang xây dựng và màu vàng: sắp xây dựng). Đồ họa: The Asean Post


Tuy nhiên, tương lai của thủy điện đang bị đặt nhiều dấu hỏi bởi nó đang được ví như là một mớ hỗn độn với những chi phí ma quái, và còn có thể gây ra những hậu quả môi trường đáng báo động.


Chuyên gia Tor Haakon Bakken, một kỹ sư dân dụng tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (NTNU) cho biết: Trên thực tế, hầu hết các con đập đều không thực sự được xây dựng cho mục đích thủy điện. Chúng chỉ giúp ngăn lũ lụt và cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt và không hề tạo ra điện, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Kết quả khảo sát cho thấy, gần một nửa số các đập lớn của châu Âu chủ yếu được xây dựng cho mục đích thủy điện. Tuy nhiên, tại châu Á thì có chưa đến một phần sáu và ở châu Phi chỉ một phần mười các con đập có khả năng tạo ra nguồn điện đáng kể.


Theo các nhà khoa học, những con đập “đã rồi” như vậy là một sự lãng phí cơ hội. Ông Bakken là một trong số ít các nhà nghiên cứu từng đề xuất lắp đặt thêm các tuabin cho những con đập cũ để tạo ra năng lượng điện mà không tạo thêm gánh nặng sinh thái.


Nhóm nghiên cứu do ông Bakken và đã lập mô hình về mặt lý thuyết để thực hiện điều này đối với nhiều con đập ở miền nam Tây Ban Nha đã chứng tỏ, trong nhiều trường hợp, việc trang bị thêm các tuabin phát điện là một cách tiếp cận hiệu quả về mặt kinh tế.


“Tôi nghĩ, tương tự như trường hợp ở Tây Ban Nha, chúng tôi đã chứng minh rằng đó là một giải pháp thay thế khả thi cả về mặt kỹ thuật và kinh tế”, ông Bakken nói, đồng thời hy vọng rằng các nhà phát triển thủy điện hãy cân nhắc việc duy tu các con đập trước khi ra quyết định xây dựng lại.


Thậm chí, ngay cả các con đập thủy điện đúng nghĩa cũng có thể được trang bị thêm một cách hiệu quả. Văn phòng Nghiên cứu Năng lượng Brazil ước tính rằng, việc “cập nhật” các nhà máy thủy điện cũ có thể tăng thêm từ 3 đến 11 gigawatt công suất phát điện- nhiều hơn cả công suất của nhà máy thủy điện 87 GW hiện có của Brazil.


Trong khi đó, các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia (NREL) ở Mỹ đã đề xuất sử dụng các hồ chứa làm giàn đỡ để lắp đặt thêm hệ thống tấm pin mặt trời nổi, thứ mà họ cho rằng về mặt lý thuyết có thể tạo ra hàng terawatt giờ (tức là một nghìn tỷ watt cho một giờ).


Trong trường hợp nhất thiết phải xây dựng các nhà máy thủy điện mới, các nhà khoa học cho rằng cách tốt nhất là nên ở quy mô nhỏ: tập trung vào việc thiết lập cái gọi là “đập trên dòng chảy" và cố gắng giữ cho dòng sông và môi trường trong điều kiện nguyên vẹn.


Michael Craig, chuyên gia nghiên cứu hệ thống năng lượng tại Đại học Michigan (Mỹ), cựu thành viên của NREL, cho biết: “Với loại hình tuabin này, bạn không cần phải làm ngập cả một khu vực rộng lớn”.


Trước đó, Craig và một số đồng nghiệp của ông đã mô hình hóa một chuỗi các con đập chặn dòng trên một con sông ở bang California, tất cả đều được liên kết với nhau để chúng có thể dễ dàng kiểm soát. Họ nhận thấy rằng, cách tiếp cận này giống như việc bổ sung thêm tính năng mới vào các hệ thống cũ hơn, để nâng cao hiệu suất của các nhà máy điện, vừa tăng sản lượng vừa giảm phát thải và có hiệu quả kinh tế.


Ilissa Ocko, nhà khoa học khí hậu tại Quỹ Bảo vệ Môi trường cho biết: “Cơ sở (trạm thủy điện) càng nhỏ, bạn càng có nhiều năng lượng từ đó, tôi nghĩ đó chắc chắn là một chiến lược tuyệt vời”.


Trên thực tế, những con đập khổng lồ của các thủy điện cũ đều làm “xoay chuyển” dòng chảy của các dòng sông, tạo ra các hồ chứa nước uốn lượn xung quanh. Chúng có thể ngăn lũ và cung cấp nước, nhưng chúng cũng đã khiến phải di dời vô số cộng đồng dân cư ở vùng thượng nguồn và hạn chế dòng chảy ở hạ lưu. Những con đập như vậy vô hình trung đã làm tổn thương những người dân bản địa, hoặc đẩy họ vào tình thế trớ trêu do mất sinh kế, bởi trước đó họ chỉ sống dựa vào các con sông.


Ngoài ra, một số nhà máy thủy điện còn tạo ra lượng khí nhà kính khổng lồ đáng báo động. Hiện các nhà khoa học đã nhận biết thủ phạm chính là những hồ chứa - và vật chất sinh học bị mắc kẹt ở bên dưới.



Hàng trăm ngàn ngư dân dọc theo đôi bờ sông Mekong đã bị mất sinh kế đánh bắt thủy hải sản vì các dự án đập thủy điện mọc lên nhiều năm qua. Ảnh: worldfishcenter


Bà Ocko nói: “Về cơ bản, bạn đang làm ngập, đánh chìm cả một khu vực có một thảm thực vật tự nhiên phong phú đang bị phân hủy dưới nước. Kết quả chính là: Khí nhà kính. Ngoài lượng carbon dioxide, nó còn tạo ra khí mê-tan, tuy không tồn tại lâu trong bầu khí quyển - nhưng lại có tác dụng làm nóng Trái đất lên mạnh hơn. Nhất là các hồ chứa có diện tích bề mặt lớn hơn và các hồ chứa ở vùng nước ấm hơn - chẳng hạn như ở gần đường xích đạo - đặc biệt dễ bị tạo ra một lượng lớn khí mê-tan.



Đập thủy điện và hồ chứa Jose Toran ở Tây Ban Nha. Ảnh: Alamy


Lấy ví dụ như vùng Amazon của Brazil, Dailson José Bertassoli, nhà địa hóa học tại Đại học São Paulo, cho biết: “Trong những thập kỷ qua, về cơ bản tất cả tiềm năng mở rộng thủy điện mà Brazil có được gần như đã cạn kiệt và vùng Amazonia đã trở thành biên giới mới”.


Nhiều hồ đập ở Amazon hiện có thể so sánh với các nhà máy nhiên liệu hóa thạch về khả năng gây ra khí nhà kính. Các nhà máy thủy điện ở Tây Phi cũng tương tự. Một nghiên cứu của Quỹ Bảo vệ Môi trường cho thấy, gần 7% trong số 1.500 nhà máy thủy điện trên khắp thế giới mà họ đã khảo sát thải ra nhiều khí nhà kính trên một đơn vị năng lượng hơn so với các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch.


“Đó là đầy đủ các lý do để tránh xây dựng thêm các con đập mới và thay vào đó hãy nhìn vào những gì chúng ta đã có”, ông Bertassoli nói về tác động và chi phí môi trường ngày càng tăng của những dự án thủy điện trong tương lai.


Nhà khoa học khí hậu Ocko cảnh báo: “Tôi không nói rằng chúng ta nên tránh xa thủy điện nhưng từ góc độ khí hậu, tôi nghĩ chúng ta cần tất cả các giải pháp mà chúng ta có thể nhìn thấy trước".


Theo Hà Dương
nongnghiep.vn

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin